Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những điều kiện thành lập công ty riêng. Nhưng để thành lập doanh nghiệp thì cá nhân hoặc tổ chức phải thỏa mãn các yêu cầu dưới đây:
Điều kiện về chủ thể doanh nghiệp
Tất cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài đều có quyền thành lập công ty, doanh nghiệp, trừ những trường hợp sau:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thanh lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những trường hợp được cử là đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp khác;
- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý vi phạm hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án,…
Điều kiện về tên công ty
Tên doanh nghiệp thường do chủ doanh nghiệp đặt. Tuy nhiên, pháp luật quy định các nguyên tắc đặt tên cho doanh nghiệp và bắt buộc mọi doanh nghiệp phải tuân thủ.
Tên doanh nghiệp chia làm 3 loại bao gồm:
- Tên doanh nghiệp bằng tiếng việt (tên thông thường)
- Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài;
- Tên viết tắt của công ty, doanh nghiệp.
Theo quy định của luật doanh nghiệp 2014, tên tiếng việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng của doanh nghiệp.
- Loại hình doanh nghiệp: pháp luật Việt Nam quy định có 5 loại hình doanh nghiệp sau đây: Công ty trách nhiệm hữu hạn (được viết tắt là công ty TNHH); công ty cổ phần (được viết tắt là công ty CP); công ty hợp danh (được viết tắt là công ty HD); doanh nghiệp tư nhân (được viết tắt là DNTN).
- Tên riêng: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp
- Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó.
- Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
- Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Điều kiện ngành nghề đăng ký kinh doanh
Doanh nghiệp có quyền kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành nghề đã được đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngành nghề cấm kinh doanh là các ngành nghề có khả năng phương hại đến quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội, văn hóa…(Các ngành nghề bị cấm được quy định tại Điều 6 Luật đầu tư 2014 như: Cấm kinh doanh mại dâm; Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người….)
Điều kiện địa điểm kinh doanh
Trụ sở chính của doanh nghiệp hay địa điểm chính đăng ký doanh nghiệp có đặc điểm sau:
- Là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp;
- Phải ở trên lãnh thổ Việt Nam;
- Có địa chỉ được xác định gồm: số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, quận,huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Trường hợp nơi đặt trụ sở chính chưa có số nhà hoặc chưa có tên đường thì làm công văn có xác nhận của địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường nộp kèm hồ sơ khi đăng ký kinh doanh.
Điều kiện về vốn điều lệ và vốn pháp định
Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp vốn và được ghi vào Điều lệ công ty.
Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập công ty do pháp luật quy định đối với từng ngành, nghề.
Luật doanh nghiệp không quy định mức vốn tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp (ngoại trừ những ngành nghề yêu cầu vốn pháp định) và tối đa. Doanh nghiệp có thể tự đăng ký mức vốn điều lệ và không cần phải thực hiện hoạt động chứng minh.
Với các ngành không yêu cầu phải có vốn pháp định thì vốn điều lệ của doanh nghiệp do các thành viên tự quyết. Thời hạn góp vốn là 90 ngày tính từ ngày thành lập.
Điều kiện về con dấu
Hình thức và số lượng con dấu tùy nhu cầu của doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo chính xác tên doanh nghiệp và mã số thuế.
Trước khi mang con dấu ra sử dụng chính thức bạn cần đăng ký với cơ quan thuế và đăng tải thông báo mẫu dấu lên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là những điều kiện thành lập công ty cơ bản mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nếu bạn có vấn đề gì thắc mắc về thủ tục, hồ sơ thành lập công ty hãy liên hệ Luật Hồng Phúc để được tư vấn tốt nhất thông qua:
Hotline: 090 234 6164 – 0964 049 410
Emai: info@luathongphuc.vn hoặc anhpham@luathongphuc.vn