• Luật Hồng Phúc

Các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Hiện nay, với sự mở rộng ngày càng nhiều thị trường kinh doanh đã kéo theo sự thiếu ổn định về thành viên, vốn, cổ đông trong công ty,… Do vậy, việc thực hiện thay đổi loại hình doanh nghiệp đã được nhiều công ty quan tâm và lo lắng. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về chuyển đổi loại hình doanh nghiệp? Có các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp nào? Để cung cấp thêm những thông tin về chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, Luật Hồng Phúc xin cung cấp cho bạn đọc và các doanh nghiệp một số thông tin như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020;
  • Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;

Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần

Theo quy định tại Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định công ty TNHH chuyển đổi thành Công ty cổ phần thông qua các phương thức sau:

  • Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác. Trong trường hợp này có thể hiểu, Công ty TNHH đã có đủ số thành viên, đủ số vốn để hoạt động công ty nên phương thức chuyển đổi này mang tính đơn thuần chuyển đổi để phù hợp với điều kiện kinh doanh và mối quan hệ giữa các thành viên. Ví dụ như trường hợp Công ty TNHH đã đủ số thành viên tối thiểu của Công ty cổ phần (tối thiểu 3 cổ đông) nên không cần phải huy động thêm thành viên mà có thể chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang Công ty cổ phần luôn.
  • Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn. Trường hợp này phát sinh khi Công ty TNHH muốn mở rộng quy mô kinh doanh và chuyển loại hình công ty sang đối vốn.
  • Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác.Trong trường hợp này số thành viên sau khi bán phần vốn góp sẽ có biến động, do bán phần vốn góp nên mối quan hệ giữa các thành viên không có nhiều vì vậy chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần trong trường hợp này là hợp lý.
  • Kết hợp phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các phương thức khác.

Trong trường hợp chuyển đổi này, công ty phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

luat-hong-phuc-vn-cac-truong-hop-chuyen-doi-loai-hinh-doanh-nghiep

Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo phương thức sau đây:

  • Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại. Trong trường hợp này, công ty cổ phần chỉ còn lại một cổ đông duy nhất nên không đủ số cổ đông tối thiểu để duy trì hoạt động công ty, vậy nên cần chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cho phù hợp.
  • Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty. Trường hợp này giống trường hợp trên khi công ty chỉ còn lại một cổ đông duy nhất nên chuyển đổi công ty thành công ty TNHH một thành viên là hợp lý nhất.
  • Công ty chỉ còn lại 01 cổ đông.

Việc chuyển nhượng cổ phần nêu trên phải được thực hiện theo giá thị trường, giá được định theo phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu hoặc phương pháp khác.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công ty chỉ còn lại một cổ đông hoặc hoàn thành việc chuyển nhượng cổ phần theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 203 Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty gửi hồ sơ chuyển đổi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo phương thức sau đây:

  • Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác.
  • Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn.
  • Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn.
  • Công ty chỉ còn lại 02 cổ đông.
  • Kết hợp phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 204 Luật Doanh nghiệp 2020 và các phương thức khác.

Công ty phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

Doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh

Đây là điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Trong khi Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung thêm trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần, công ty hợp danh. Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã khắc phục được bất cập khi doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển đổi thành các loại hình doanh nghiệp khác mà không chuyển đổi được trực tiếp.

Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020 và cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Công ty được chuyển đổi đương nhiên kế thừa quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ phát sinh trước ngày công ty được chuyển đổi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trên đây là những nội dung liên quan đến các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệpLuật Hồng Phúc cung cấp đến các bạn đọc và các doanh nghiệp.

  • Quy định về chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
  • Doanh nghiệp nào không chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn ?
  • Các trường hợp không được chuyển đổi loại hình doanh nghiệp ?

Nếu còn những thắc mắc về thủ tục này hay bất kỳ vấn đề pháp lý gì khác thì đừng quên liên hệ Luật Hồng Phúc để được giải đáp nhé.

Thông tin liên quan