• Luật Hồng Phúc

Loại hình công ty nào được bán và không được bán ?

luat-hong-phuc-vn-Loại hình công ty nào được bán và không được bán

Loại hình công ty nào được bán và không được bán?

Hiện nay hoạt động mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp diễn ra rất phổ biến nhưng không phải tất cả các loại hình doanh nghiệp đều có thể mua bán. Trong bài viết dưới đây, Luật Hồng Phúc xin gửi tới Quý khách hàng thông tin về loại hình công ty nào được bán và không được bán.

  1. Bán doanh nghiệp là gì?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật cạnh tranh 2018 thì mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Như vậy, hoạt động bán doanh nghiệp có thể hiểu là việc một doanh nghiệp bán một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của doanh nghiệp mình cho cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp khác.

  1. Các loại hình doanh nghiệp được phép bán?

Theo các quy định pháp luật hiện nay, chỉ có 02 loại hình doanh nghiệp được phép bán là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước thì đều đang tồn tại là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty thành viên. Nghị định 128/2014/NĐ-CP quy định việc bán doanh nghiệp là việc chuyển đổi sở hữu toàn bộ một doanh nghiệp hoặc đơn vị hạch toán phụ thuộc cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chỉ được bán khi thuộc diện bán doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; thuộc diện cổ phần hóa trong Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng không thực hiện cổ phần hóa được và là các đơn vị hạch toán phụ thuộc của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty thành viên thuộc diện bán bộ phận doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động và khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bộ phận doanh nghiệp còn lại.

Đối với doanh nghiệp tư nhân thì hoạt động bán doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

“Điều 192. Bán doanh nghiệp tư nhân

  1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.
  2. Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.
  3. Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
  4. Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.”

Như vậy, chủ các doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp của mình bất cứ lúc nào, sau khi bán doanh nghiệp thì họ sẽ không còn quyền sở hữu đối với doanh nghiệp của mình nhưng các nghĩa vụ đối với doanh nghiệp phát sinh trước khi chuyển giao thì vẫn phải chịu. Việc hoàn thiện các thủ tục về việc bán doanh nghiệp được thực hiện đăng ký theo thủ tục thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp.

  1. Các loại hình doanh nghiệp không được phép bán?

Từ những phân tích nêu trên có thể thất pháp luật không quy định về việc bán doanh nghiệp đối với các loại hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không có 100% vốn nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, công ty cổ phầncông ty hợp danh. Các loại doanh nghiệp này mang tính chất chủ yếu là doanh nghiệp đối vốn, mặc dù luật doanh nghiệp không quy định rõ ràng về việc bán doanh nghiệp trực tiếp đối với các loại hình doanh nghiệp này nhưng trên thực tế, do tính chất đối vốn nên các doanh nghiệp này vẫn diễn ra các hình thức mua bán gián tiếp thông qua hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp cho các nhà đầu tư khác.

Như vậy, về mặt lý luận, các doanh nghiệp không được phép bán bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không có 100% vốn nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, công ty cổ phần và công ty hợp danh. Tuy nhiên trên thực tế, việc bán các doanh nghiệp này được diễn ra rất sôi nổi, nhiều hơn cả hoạt động bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thông qua hoạt động chuyển nhượng vốn cho các nhà đầu tư bên ngoài.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi nhằm giải đáp thắc mắc về loại hình công ty nào được bán và không được bán. Luật Hồng Phúc là đơn vị chuyên thực hiện, hỗ trợ quý khách hàng thủ tục bán doanh nghiệp một cách an toàn, phù hợp với quy định pháp luật, với chi phí hợp lý trong thời gian nhanh nhất. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số Hotline: 090.234.6164 –0964.049.410 hoặc liên hệ qua emai: Info@luathongphuc.vn hoặc anhpham@luathongphuc.vn

Thông tin liên quan