• Luật Hồng Phúc

Thủ tục giải thể doanh nghiệp

Nội dung chính

Giái thể công ty là chấm dứt hoàn toàn hoạt động của doanh nghiệp và các đơn vị phụ thuộc. Đây việc không ai mong muốn nhưng vẫn bắt buộc phải thực hiện trong một số trường hợp, để bảo đảm lợi ích của mình và của các chủ thể khác. Do đó, giải thể doanh nghiệp phải tuân theo những quy tắc nhất định. Hãy cùng tìm hiểu về thủ tục giải thể công ty qua bài viết dưới đây của Luật Hồng Phúc.

thu-tuc-giai-the-doanh-nghiep-luathongphuc-vn

Điều kiện giải thể công ty và các trường hợp giải thể công ty

Các trường hợp giải thể doanh nghiệp về cơ bản đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 và tiếp tục được kế thừa tại Luật Doanh nghiệp năm 2020. Trong đó, có các trường hợp giải thể doanh nghiệp sau:

  • Trường hợp 1: Giải thể công ty theo quyết định của chủ công ty

Đầu tiên, doanh nghiệp có thể giải thế theo quyết định tự nguyện của chủ doanh nghiệp. Đây là quyền tự do kinh doanh của chủ doanh nghiệp, có thể tự quyết định những vấn đề của công ty, bao gồm cả quyết định giải thể. Vì nhiều lý do khác nhau, chủ doanh nghiệp có thể đi đến quyết định giải thể doanh nghiệp để thu hồi vốn hoặc chuyển sang kinh doanh mô hình doanh nghiệp khác với những lĩnh vực, ngành nghề mới. Đây là quyết định hoàn toàn tự nguyện và chủ động của chính chủ doanh nghiệp.

  • Trường hợp 2: Giải thể khi kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn

Nếu trong Điều lệ công ty có quy định về thời hạn hoạt động, khi hết thời hạn này, mà các thành viên công ty không thực hiện gia hạn hoạt động, thì công ty sẽ bị yêu cầu giải thể. Việc quy định về thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có thể do chính các thành viên, cổ đông sáng lập cùng nhất trí, hoặc phụ thuộc sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  • Trường hợp 3: Giải thể khi công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

Có đủ số lượng thành viên tối thiệu là một trong những điều kiện bắt buộc để công ty thành lập và hoạt động. Pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu cho mỗi mô hình công ty khác nhau. Do đó, nếu trong thời hạn 6 tháng liên tục mà công ty không tiến hành kết nạp thêm thành viên để đáp ứng số lượng tối thiểu hoặc không chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp khác phù hợp với số lượng thành viên hiện có thì công ty phải tiến hành thủ tục giải thể.

  • Trường hợp 4: Giải thể khi công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Để thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp buộc phải thực hiện thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đây là sự công nhận về mặt pháp lý, và là cơ sở để công ty tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, nếu bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng có nghĩa là công ty không còn được công nhận về địa vị pháp lý và buộc phải giải thể công ty. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải chấm dứt các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tóm lại, doanh nghiệp có thể bị giải thể tự nguyện hoặc giải thể bắt buộc trong một số trường hợp. Tuy nhiên, dù thuộc trường hợp nào, doanh nghiệp chỉ có thể giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hay Trọng tài.

mau-quyet-dinh-giai-the-dia-diem-kinh-doanh

Thủ tục giải thể công ty

  1. Doanh nghiệp tự nguyện giải thể

Bước 1: Thông qua quyết định giải thể công ty

Việc giải thể tự nguyện phải được thống nhất nhất ý kiến của các thành viên trong công ty  về các vấn đề liên quan đến lý do giải thể; thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ; phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động và việc thành lập tổ thanh lý tài sản (nếu cần thiết).

Trong đó, đối với doanh nghiệp tư nhân là theo quyết định của chủ doanh nghiệp; đối với công ty hợp danh là quyết định của Hội đồng thành viên hợp danh; đối với công ty TNHH là quyết định của Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty; đối với công ty cổ phần là quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Đối với những mô hình có từ hai chủ sở hữu trở lên, phải tổ chức họp các thành viên và có biên bản họp thông qua quyết định giải thể công ty.

Bước 2: Thông báo công khai quyết định giải thể

Sau khi công ty đã thông qua và nhất trí về quyết định giải thể, phải tiến hành thông báo cho những người có quyền và lợi ích liên quan biết về quyết định giải thể.

Để đảm bảo đủ điều kiện giải thể theo pháp luật, nếu còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì công ty phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan.

Bước 3: Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của công ty

Chủ sở hữu công ty phải trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng. Công ty tiến hành thanh toán các  khoản nợ theo thứ tự ưu tiên như sau:

  • Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết trong khuôn khổ pháp luật;
  • Nợ thuế;
  • Các khoản nợ khác.

Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể tại cơ quan có thẩm quyền

Doanh nghiệp phải nộp hồ sơ giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp. Hồ sơ giải thể bao gồm:

  • Thông báo giải thể doanh nghiệp
  • Quyết định giải thể doanh nghiệp
  • Biên bản họp về việc giải thể doanh nghiệp (đối với công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh)
  • Báo cáo của doanh nghiệp liên quan đến việc thanh lý tài sản; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán
  • Xác nhận đóng tài khoản ngân hàng
  • Xác nhận đóng mã số thuế
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
  • Thông báo hủy mẫu dấu

Bước 5: Cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Sau khi nhận được hồ sơ giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm gửi thông tin liên quan đến việc doanh nghiệp tự nguyện giải thể cho cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin, cơ quan thuế phải gửi ý kiến về việc giải thể công ty đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Cơ quan đăng ký kinh doanh phải cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn tối đa là 5 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ giải thể.

Trường hợp doanh nghiệp không nộp hồ sơ, doanh nghiệp sẽ giải thể tự động, sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày thông báo tình trạng giải thể doanh nghiệp mà không nhận văn bản phản đối của các bên có liên quan, cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia.

  1. Đối với trường hợp bắt buộc giải thể theo quy định pháp luật

Bước 1: Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể

Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo về tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin về đăng ký doanh nghiệp đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (kèm lý do thu hồi) hoặc quyết định giải thể của Tòa án đã có hiệu lực thi hành.

Kèm theo thông báo còn phải đăng tải công khai quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án và gửi đến các tổ chức và cá nhân liên quan.

Bước 2: Doanh nghiệp triệu tập họp để ra quyết định giải thể

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định yêu cầu giải thể của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp phải triệu tập họp để cùng thống nhất về quyết định giải thể.

Sau đó, doanh nhiệp phải gửi quyết định giải thể và bản sao quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động.  Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa hoàn thành để đảm bảo điều kiện giải thể thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể kèm theo phương án giải quyết đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan.

Quyết định giải thể phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh công ty. Đồng thời đăng báo ít nhất trong ba số liên tiếp nếu pháp luật có yêu cầu

Bước 3: Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của công ty

Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể tại cơ quan có thẩm quyền

Bước 5: Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật trình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp

Trình tự, cách thức thực hiện tại các bước 3, 4, 5 trong thủ tục giải thể bắt buộc được thực hiện tương tự như trong trường hợp giải thể tự nguyện.

Hy vọng bài viết trên đây đã đưa ra những thông tin cơ bản và khái quát về các trường hợp giải thể, cũng như thủ tục giải thể mà doanh nghiệp cần thực hiện. Nếu cần thêm thông tin hoặc tư vấn chi tiết, xin hãy liên hệ ngay Luật Hồng Phúc để được hỗ trợ. Xin chân thành cảm ơn!

Hotline: 090 234 6164 – 0964 049 410

Emai: info@luathongphuc.vn hoặc anhpham@luathongphuc.vn

Câu hỏi thường gặp
  1. Kinh nghiệm giải thể công ty ?

    Trước khi giải thể công ty cần phải hoàn thành các nghĩa vụ về thuế để tranh làm mất thời gian đi lại và để giúp cán bộ thuế có thể giải quyết nhanh.

  2. Nhiều công ty không làm thủ tục giải thể sẽ như thế nào ?

    Công ty không làm thủ tục giải thể doanh nghiệp vẫn được, nhưng số tiền nợ thuế, số tiền phạt thuế sẽ ngày càng tăng và chủ doanh nghiệp có thể bị cấm xuất cảnh.

Thông tin liên quan