• Luật Hồng Phúc

Điều kiện kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ

Hiện nay, đời sống con người ngày càng được nâng cấp và cải thiện kéo nhu cầu làm đẹp của con người ngày càng tăng. Giờ đây, việc sử dụng dao kéo để cải thiện sắc đẹp không còn xa lạ. Nhiều cơ sở muốn kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, nhưng vấn đề đặt ra là điều kiện kinh doanh dịch vụ này như thế nào và các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động này bao gồm những gì? Để trả lời câu hỏi này, bài viết sau, Luật Hồng Phúc xin cung cấp cho bạn đọc và quý khách hàng những thông tin về Điều kiện kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.

Cơ sở pháp lý

  • Luật khám chữa bệnh 2009;
  • Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
  • Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính Phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
  • Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính Phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
  1. Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ

Căn cứ khoản 20 Điều 3 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì có thể hiểu kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ như sau:

Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, gồm: Sử dụng kỹ thuật y học để phẫu thuật (giải phẫu) làm thay đổi hình dáng, đặc điểm nhận dạng con người.

  1. Điều kiện để kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ

2.1 Đáp ứng điều kiện hoạt động của một cơ sở khám chữa bệnh

Thứ nhất, có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

Thứ hai, cơ sở phải có giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.

2.2 Đáp ứng điều kiện hoạt động của một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ

Căn cứ theo Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP thì cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ phải đáp ứng:

Điều kiện về cơ sở vật chất:

– Có địa điểm cố định;

– Bảo đảm các điều kiện vệ sinh.

Điều kiện về thiết bị:

Có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Điều kiện về nhân sự:

Nhân sự thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

Điều kiện về an ninh trật tự:

Căn cứ theo quy định tại nghị định 96/2016/NĐ-CP thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Đối với người Việt Nam:

– Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử;

– Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù;

– Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:

– Thuộc trường hợp chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

Thứ ba, cơ sở có đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

– Cơ sở phải có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở – xem chi tiết tại công việc “Xây dựng nội quy và sơ đồ về an toàn phòng cháy, chữa cháy“.

–  Cơ sở phải có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.

Trên đây là một số thông tin về  điều kiện kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ Luật Hồng phúc cung cấp đến các bạn đọc. Nếu còn những thắc mắc về quy định điều kiện này hay bất kỳ vấn đề pháp lý gì khác thì đừng quên liên hệ Luật Hồng Phúc để được giải đáp nhé./

 

Thông tin liên quan