Thủ tục miễn thuế xuất nhập khẩu tại chỗ
- Khái niệm về xuất nhập khẩu tại chỗ
- Xuất nhập khẩu tại chỗ là: Hàng hoá được các doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sản xuất tại Việt Nam bán cho thương nhân nước ngoài nhưng lại giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài được gọi là hàng xuất nhập khẩu tại chỗ.
- Doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ là doanh nghiệp nhận hàng hoá từ các doanh nghiệp xuất khẩu theo chỉ định của thương nhân nước ngoài.
- Doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ là doanh nghiệp bán hàng cho các thương nhân nước ngoài.
- Doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải ký hợp đồng mua bán với thương nhân nước ngoài, trong hợp đồng bắt buộc phải nêu rõ hàng được giao nhận tại Việt Nam và tên, địa chỉ doanh nghiệp giao, nhận hàng hoá.
- Quy định trường hợp được miễn thuế xuất nhập khẩu tại chỗ
- * Công văn 4138/TCHQ-TXNK về miễn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ nhau sau:
- Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thuộc đối tượng chịu thuế;
- Căn cứ khoản 3 Điều 2 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ thuộc đối tượng chịu thuế;
- Căn cứ Điều 10, Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế;
- Căn cứ khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ;
- Căn cứ khoản 5 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại khoản 58 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ tài chính quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.
- Như vậy, Tổng cục Hải quan thống nhất, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, sau đó xuất trả, bán sản phẩm được gia công, sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài nhưng được thương nhân nước ngoài chỉ định giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam (xuất khẩu sản phẩm theo loại hình xuất khẩu tại chỗ) được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vât tư nhập khẩu để gia công sản xuất hàng hóa đã xuất khẩu tại chỗ.
- Trường hợp doanh nghiệp đã được miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu nhưng sau đó xuất khẩu sản phẩm theo loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ thì cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế, tính tiền chậm nộp và xử lý phạt vi phạm hành chính theo quy định. Căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế và biểu thuế thực hiện theo quy định tại Chương II Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
- Thủ tục đối với hàng hóa miễn thuế xuất nhập khẩu tại chỗ
- * Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ gồm:
- Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP;
- Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;
- Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
- * Địa điểm làm thủ tục hải quan:
- Thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện tại Chi cục Hải quan thuận tiện do người khai hải quan lựa chọn và theo quy định của từng loại hình.
- * Hồ sơ hải quan
- Hồ sơ hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC.
- Trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì người khai hải quan sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính thay cho hóa đơn thương mại.
- * Thời hạn làm thủ tục hải quan
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan hàng hóa xuất khẩu và sau khi hoàn thành việc giao nhận hàng hóa, người nhập khẩu tại chỗ phải làm thủ tục hải quan.
- * Thủ tục hải quan
- Trách nhiệm của người xuất khẩu:
+ Khai thông tin tờ khai hàng hóa xuất khẩu và khai vận chuyển kết hợp, trong đó ghi rõ vào ô “Điểm đích cho vận chuyển bảo thuế” là mã địa điểm của Chi cục Hải quan làm thủ tục hải quan nhập khẩu và ô tiêu chí “Số quản lý nội bộ của doanh nghiệp” theo hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC.
+ Thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa theo quy định.
+ Giao hàng hóa cho người nhập khẩu sau khi hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan.
- Trách nhiệm của người nhập khẩu:
+ Khai thông tin tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo đúng thời hạn quy định trong đó ghi rõ số tờ khai hàng hóa xuất khẩu tại chỗ tương ứng tại ô “Số quản lý nội bộ của doanh nghiệp” trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC hoặc ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan giấy.
+ Thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo quy định.
+ Chỉ được đưa hàng hóa vào sản xuất, tiêu thụ sau khi hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan.
- Trách nhiệm của cơ quan hải quan làm thủ tục xuất khẩu: Thực hiện thủ tục xuất khẩu theo quy định tại Chương II Thông tư 38/2015/TT-BTC.
- Trách nhiệm của cơ quan hải quan làm thủ tục nhập khẩu:
+ Theo dõi những tờ khai hàng hóa xuất khẩu tại chỗ đã hoàn thành thủ tục hải quan để thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu.
+ Tiếp nhận, kiểm tra theo kết quả phân luồng của Hệ thống. Trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hoá, nếu hàng hóa đã được kiểm tra thực tế tại Chi cục Hải quan xuất khẩu thì Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu không phải kiểm tra thực tế hàng hoá.
+ Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài thì hàng tháng tổng hợp và lập danh sách các tờ khai hàng hóa nhập khẩu tại chỗ đã được thông quan theo mẫu số 20/TKXNTC/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức, cá nhân nhập khẩu tại chỗ.
- Trường hợp người khai hải quan là doanh nghiệp ưu tiên và các đối tác mua bán hàng hóa với doanh nghiệp ưu tiên; doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan và đối tác mua bán hàng hóa cũng là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ được giao nhận nhiều lần trong một thời hạn nhất định theo một hợp đồng/đơn hàng với cùng người mua hoặc người bán thì được giao nhận hàng hóa trước, khai hải quan sau.
- Việc khai hải quan được thực hiện trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày thực hiện việc giao nhận hàng hóa. Người khai hải quan được đăng ký tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ tại 01 Chi cục Hải quan thuận tiện; chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
- Cơ quan hải quan chỉ kiểm tra các chứng từ liên quan đến việc giao nhận hàng hóa (không kiểm tra thực tế hàng hóa). Đối với mỗi lần giao nhận, người xuất khẩu và người nhập khẩu phải có chứng từ chứng minh việc giao nhận hàng hóa (như hóa đơn thương mại hoặc hóa đơn GTGT hoặc hoá đơn bán hàng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ,…), chịu trách nhiệm lưu giữ tại doanh nghiệp và xuất trình khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra.
Như vậy Luật Hồng Phúc đã giới thiệu đến quý khách hàng quy trình thực hiện thủ tục miễn thuế xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định mới nhất. Khách hàng có vướng mắc có thể liên hệ công ty Luật Hồng Phúc để được hỗ trợ thêm thông qua:
Hotline: 090 234 6164 – 0964 049 410 hoặc Emai: Info@luathongphuc.vn / anhpham@luathongphuc.vn