Điều kiện và thủ tục kinh doanh dịch vụ vận tải đường biển
Hiện nay Việt Nam có tổng số bến cảng của hệ thống cảng biển là 251 bến cảng với khoảng 88km chiều dài cầu cảng và 18 khu neo đậu, chuyển tải, tổng công suất thiết kế khoảng 543,7 triệu tấn hàng/năm[1]. Qua đó chúng ta thấy rằng dịch vụ vận tải đường biển của Việt Nam ngày càng được phát triển và công suất vận chuyển tăng đều qua các năm.
Vậy, để kinh doanh dịch vụ vận tải đường biển cần điều kiện gì, thủ tục để kinh doanh dịch vụ như thế nào? Sau đây, luật Hồng Phúc xin trả lời thắc mắc trên thông qua điều kiện và thủ tục kinh danh dịch vụ vận tải đường biển như sau:
Kinh doanh dịch vụ vận tải đường biển là gì ?
Theo Nghị định 160/2016/NĐ-CP thì việc kinh doanh dịch vụ vận tải đường biển được hiểu là là việc sử dụng tàu biển để kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý.
Có 2 hình thức kinh doanh dịch vụ vận tải đường biển gồm:
- Kinh doanh vận tải biển quốc tế: là việc vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý bằng tàu biển giữa cảng biển Việt Nam và cảng biển nước ngoài hoặc giữa các cảng biển nước ngoài;
- Kinh doanh vận tải biển nội địa: là việc vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý bằng tàu biển giữa các cảng biển trong lãnh thổ Việt Nam.
Điều kiện để kinh doanh dịch vụ vận tải đường biển
Điều kiện chung: Là doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải biển được thành lập theo quy định của pháp luật.
Điều kiện riêng:
Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế:
Thứ nhất, về tổ chức bộ máy:
Doanh nghiệp phải thiết lập hoặc thuê tổ chức bộ máy và nhân lực như sau:
- Về tổ chức bộ máy, gồm:
- Bộ phận quản lý an toàn theo quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn (ISM Code);
- Bộ phận quản lý an ninh hàng hải theo quy định của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng (ISPS Code);
- Về nhân lực: Người được giao phụ trách lĩnh vực quản lý an toàn, an ninh hàng hải phải được đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Thứ hai, về tài chính đảm bảo 1 trong 2 điều kiện sau:
- Có bảo lãnh theo quy định của pháp luật với mức tối thiểu là 05 (năm) tỷ Đồng Việt Nam.
- Hoặc mua bảo hiểm để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên theo quy định.
Thứ ba, về tàu thuyền:
- Có quyền sử dụng hợp pháp tối thiểu 01 tàu biển;
- Nếu tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển nội địa:
- Có quyền sử dụng hợp pháp tối thiểu 01 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Trình tự thủ tục thành lập Công ty kinh doanh dịch vụ vận tải đường biển
Căn cứ Nghị định 147/2018/NĐ-CP thì đối với hoạt động kinh doanh vận tải biển đã bải bỏ việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển. Do đó, sau khi chủ doanh nghiệp đã đáp ứng các điều kiện ở mục 2 nêu trên có thể tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp
Thủ tục đăng ký doanh nghiệp được tiến hành như sau:
Chuẩn bị hồ sơ (01 bộ)
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cá nhân thành lập công ty hoặc giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với tổ chức thành lập công ty, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tương ứng với loại hình công ty;
- Điều lệ công ty (trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp tư nhân);
- Danh sách các thành viên, cổ đông (trừ trường hợp doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên).
- Quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương khác và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền đối với thành viên, cổ đông là tổ chức.
- Giấy tờ khác (nếu có): Bản sao văn bản ủy quyền/Bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Nộp hồ sơ đăng ký dịch vụ vận tải đường biển
- Nộp trực tiếp: Phòng đăng ký kinh doanh hoặc các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc phòng đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh nơi Công ty Cổ phần đặt trụ sở chính;
- Nộp trực tuyến: https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/ thông qua tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số công cộng đồng thời nộp hồ sơ gốc bản giấy tại Phòng Đăng ký kinh doanh khi nhận kết quả.
Kết quả duyệt hồ sơ đăng ký
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ: cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ: ra một bản thông báo toàn bộ nôi dung cần sửa đổi, bổ sung đối với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ;
Lưu ý: Những thủ tục cần làm sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Mua chữ ký số điện tử để thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế điện tử;
- Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, thông báo tài khoản ngân hàng với Sở kế hoạch và đầu tư;
- Nộp tờ khai thuế môn bài và nộp thuế môn bài;
- Làm biển hiệu;
- Đăng ký phát hành hóa đơn điện tử;
- Góp vốn điều lệ đúng thời hạn. Đảm bảo các điều kiện kinh doanh trước khi kinh doanh.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Bộ luật hàng hải 2015
- Nghị định 160/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển
- Nghị định 147/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải
Như vậy Luật Hồng Phúc đã giới thiệu đến quý khách hàng về điều kiện và thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải đường biển theo quy định mới nhất. Qúy khách hàng có thể liên hệ công ty Luật Hồng Phúc để được hỗ trợ thêm thông qua:
Hotline: 090 234 6164 – 0964 049 410
Emai: info@luathongphuc.vn hoặc anhpham@luathongphuc.vn
[1] http://vasi.gov.vn/pages/day-manh-phat-trien-he-thong-cang-bien-viet-nam-tr-870d.aspx