• Luật Hồng Phúc

Thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh

Thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh

Thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh là một trong những thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp phải thực hiện tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch đầu tư khi doanh nghiệp có sự thay đổi về địa chỉ đăng ký kinh doanh so với địa chỉ đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vậy, Luật doanh nghiệp hiện hành và văn bản pháp luật có liên quan quy định như thế nào về thủ tục này? Bài viết dưới đây, Luật Hồng Phúc sẽ tư vấn và làm rõ cho quý khách hàng về các nội dung cần lưu ý khi tiến hành thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020;
  • Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
  • Thông tư số 01/2021/TT-CP hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp;
  • Luật Quản lý thuế năm 2019;
  • Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế.

Địa chỉ đăng ký kinh doanh là gì?

Địa chỉ đăng ký kinh doanh là nơi doanh nghiệp đăng ký để tiến hành các hoạt động kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Địa chỉ này thường là trụ sở sở chính của công ty, được đặt trên lãnh thổ của Việt Nam, được xác định theo địa giới hành chính lãnh thổ, có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

luat-hong-phuc-vn-thay-doi-dia-chi-dang-ky-kinh-doanh

Thủ tục chốt thuế trước khi thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh

Theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, đối với trường hợp thay đổi địa chỉ sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nơi địa chỉ kinh doanh đã đăng ký. Trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục về thuế với cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế. Cụ thể, doanh nghiệp cần thực hiện nộp các giấy tờ sau tới cơ quan thuế quản lý:

  • Biên bản họp, quyết định về việc chuyển địa chỉ công ty hợp danh;
  • Các báo cáo thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
  • Thông báo chốt số lượng hóa đơn tại cơ quan thuế đến thời điểm thay đổi địa chỉ;
  • Tờ khai điều chỉnh thông tin đăng ký thuế – Mẫu 08/MST kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có chứng thực;

Khi doanh nghiệp đã nộp hồ sơ, cơ quan thuế sẽ thực hiện thủ tục chốt thuế và ban hành thông báo về việc người nộp thuế chuyển địa điểm đến cơ quan quản lý thuế nơi đặt địa chỉ kinh doanh mới.

Hồ sơ đăng ký thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh

Thành phần hồ sơ để tiến hành đăng ký thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo hướng dẫn tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì bao gồm các giấy tờ sau:

  • 01 bản thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
  • 01 bản nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
  • 01 bản nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh;
  • 01 bản nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Văn bản ủy quyền cho cá nhân nộp hồ sơ đăng ký thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Lưu ý: Trường hợp đăng ký thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

luat-hong-phuc-vn-dich-vu-thay-doi-dia-chi-dang-ky-kinh-doanh

Trình tự, thủ tục thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo đúng quy định;
  • Bước 2: Khi đã có đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi mà công ty đặt trụ sở mới hoặc qua Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
  • Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh sau khi tiếp nhận hồ sơ sẽ cấp Giấy biên nhận và hẹn ngày trả kết quả.

Lưu ý: Thời gian giải quyết hồ sơ thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh: trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

  • Bước 4: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ thì sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp theo quy định.
    • Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp;
    • Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
    • Hồ sơ hợp lệ theo khoản 20 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Trên đây là những thông tin tư vấn mà các doanh nghiệp cần biết khi đăng ký thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Nếu còn những thắc mắc về thủ tục này hay bất kỳ vấn đề pháp lý gì khác thì đừng quên liên hệ Luật Hồng Phúc để được giải đáp nhé.

Thông tin liên quan