• Luật Hồng Phúc

Những nhóm sản phẩm thực phẩm nào thuộc sự quản lý của Bộ Y tế

Hiện nay trong hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều loại sản phẩm thực phẩm, mỗi nhóm sản phẩm thực phẩm lại thuộc sự quản lý của các bộ ngành khác nhau. Vậy nhóm sản phẩm thực phẩm nào thuộc sự quản lý của Bộ Y tế? Hãy theo dõi bài viết sau, Luật Hồng Phúc sẽ làm rõ cho quý khách hàng những thông tin về về những nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc sự quản lý của Bộ Y tế.

Căn cứ pháp lý

  • Luật an toàn thực phẩm 2010;
  • Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm;
  • Thông tư 43/2018/TT-BCT quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương;

Danh mục các sản phẩm / nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y Tế

Theo quy định về an toàn thực phẩm hiện hành, các nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc quyền quản lý của Bộ y tế bao gồm:

  1. Nước uống đóng chai;
  2. Nước khoáng thiên nhiên;
  3. Thực phẩm chức năng;
  4. Các vi chất bổ sung vào thực phẩm và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng;
  5. Hương liệu thực phẩm;
  6. Chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
  7. Đá thực phẩm (Nước đá dùng liền và nước đá dùng để chế biến thực phẩm);
  8. Phụ gia thực phẩm;
  9. Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (Trừ những dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương được sản xuất trong cùng một cơ sở và chỉ để dùng cho các sản phẩm thực phẩm của cơ sở đó)
  10. Các sản phẩm khác không được quy định tại danh mục của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế

  • Thực hiện các quy định về trách nhiệm chung trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật an toàn thực phẩm.
  • Báo cáo định kỳ, đột xuất với Chính phủ về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở giám sát và tổng hợp báo cáo của các bộ quản lý chuyên ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  • Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý quy định tại Điều 62 Luật an toàn thực phẩm và các nhóm sản phẩm trong Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định về mức giới hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm theo đề nghị của các bộ quản lý chuyên ngành.
  • Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh và cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm thực phẩm quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
  • Chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng thuộc phạm vi được phân công quản lý; chỉ định cơ sở làm kiểm nghiệm trọng tài và kết luận cuối cùng khi có sự khác biệt về kết quả kiểm nghiệm của các cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm trong và ngoài ngành Y tế.
  • Chỉ định cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
  • Tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực đối với: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý, Giấy chứng nhận y tế.

Điều kiện kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y Tế

Để kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ y tế cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Quy trình sản xuất thực phẩm được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng;
  • Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho sản phẩm không thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc;
  • Có ủng hoặc giầy, dép để sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm;

­ Bảo đảm không có côn trùng và động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; không sử dụng hoá chất diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm;

  • Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dễ làm vệ sinh, không thôi nhiễm chất độc hại và không gây ô nhiễm đối với thực phẩm;
  • Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
  • Không bày bán hoá chất dùng cho mục đích khác trong cơ sở kinh doanh phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.

Trên đây là những thông tin về nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc sự quản lý của bô y tế Luật Hồng phúc cung cấp đến quý khách hàng. Nếu còn những thắc mắc về thủ tục này hay bất kỳ vấn đề pháp lý gì khác thì đừng quên liên hệ Luật Hồng Phúc để được giải đáp nhé.

Thông tin liên quan