• Luật Hồng Phúc

Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không ?

Hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Vậy, hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không?

Từ những quy định pháp luật điều chỉnh đã cho thấy hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Sau đây, Luật Hồng Phúc sẽ làm rõ khẳng định này như sau:

Tư cách pháp nhân là gì?

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau:

  1. Được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  2. Có cơ cấu tổ chức: có cơ quan điều hành; tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành được quy định trong điều lệ, quyết định thành lập của pháp nhân hoặc có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật;
  3. Có tài sản (vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật) độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  4. Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền.

HỘ KINH DOANH CÓ TƯ CÁCH PHÁP NHÂN KHÔNG?

Vì sao hộ gia đình không có tư cách pháp nhân?

Theo quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2020/NĐ-CP về đăng ký thành lập doanh nghiệp thì: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”. Theo đó, hộ kinh doanh có tài sản không độc lập với các cá nhân thành lập hộ kinh doanh, các cá nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.

Vì vậy, hộ kinh doanh không đáp ứng đủ điều kiện trở thành pháp nhân theo quy định của pháp luật nên không có tư cách pháp nhân.

Hậu quả pháp lý khi hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân

  1. Tham gia quan hệ giao dịch: các thành viên của hộ gia đình là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự bằng văn bản trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
  2. Tài sản chung của hộ gia đình gồm những tài sẩn do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Việc xác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung được thực hiện theo phương thức thỏa thuận;
  3. Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình được đảm bảo thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên. Nếu các bên không thỏa thuận, hợp đồng hợp tác hoặc pháp luật không có quy định khác thì các thành viên chịu trách nhiệm dân sự theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản của mình nếu không xác định được theo phần tương ứng thì xác định theo phần bằng nhau.
  4. Trường hợp thành viên không có quyền đại diện mà xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh các thành viên khác của hộ gia đình xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì giao dịch dân sự vô hiệu từng phần tương ứng với phần vượt quá phạm vi đại diện nếu không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch; giao dịch vẫn phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với các thành viên còn lại khi đã được các thành viên còn lại công nhận hoặc đã biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý hoặc có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.

Căn cứ pháp lý

  1. Bộ luật Dân sự 2015
  2. Luật Doanh nghiệp 2020

Thông tin liên quan