• Luật Hồng Phúc

Đối tượng không được mở công ty

Quy định pháp luật về đối tượng không được mở công ty, không được thành lập doanh nghiệp? Một doanh nghiệp muốn được thành lập doanh nghiệp cần phải đảm bảo các điều kiện về chủ thể, tên doanh nghiệp, điều kiện về ngành nghề kinh doanh,…. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi đã được thành lập công ty bị Phòng đăng ký kinh doanh thu hồi lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do vi phạm điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp. Trong bài viết dưới đây, Luật Hồng Phúc xin gửi tới Quý Khách hàng quy định pháp luật về những đối tượng không được thành lập doanh nghiệp.

Các đối tượng không được thành lập doanh nghiệp

Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, có một số đối tượng không được thành lập công ty và quản lý doanh nghiệp được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể:

– Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Theo đó cán bộ là những người đã biên chế, giữ chức vụ tại cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp tỉnh, cấp huyện và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Công chức cũng là người trong biên chế, có chức vụ tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Viên chức là người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;

Quy định pháp luật về đối tượng không được mở công ty

–  Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

–  Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH và do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng. Cụ thể: Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật Phá sản 2014 thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập, làm người quản lý doanh nghiệp trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản. Để đảm bảo chủ thể thanahf lập doanh nghiệp không thuộc những trường hợp trên , trong một số trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập công ty phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

–  Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định tại  Điều 80 Bộ luật Hình sự.

Những đối tượng không được tham gia góp vốn vào doanh nghiệp

Bên cạnh những đối tượng không được thành lập doanh nghiệp thì cũng có một số đối tượng không được tham gia góp vốn, quản lý doanh nghiệp được quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:

Các đối tượng không được góp vốn vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh bao gồm những đối tượng sau đây quy định tại Khoản 2 Điều 37, Điểm a,b Khoản 6 Điều 37  Luật phòng chống tham nhũng:

  • Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.”
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

Không phải ai cũng có thể đứng tên để mở công ty. Vì vậy trước khi mở công ty quý khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật. Luật Hồng Phúc đã giới thiệu đến quý khách hàng những trường hợp không được phép thành lập công ty mới nhất hiện nay. Qúy khách hàng có những câu hỏi, thắc mắc có thể liên hệ công ty Luật Hồng Phúc để được tư vấn cụ thể hơn thông qua:

Hotline: 090 234 6164 – 0964 049 410

Emai: info@luathongphuc.vn hoặc anhpham@luathongphuc.vn

Thông tin liên quan