• Luật Hồng Phúc

Điều kiện chuyển nhượng cổ phần

Cổ phần là tên gọi của một phần vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau. Cổ phần mang bản chất là quyền tài sản được thể hiện bằng cổ phiếu, xác lập quyền tài sản của thành viên đối với công ty cổ phần tương ứng với số lượng cổ phần nắm giữ, quyền ưu đãi của cổ phần nắm giữ (ưu đãi cổ tức, ưu đãi hoàn lại, ưu đãi biểu quyết, ưu đãi khác). Tương ứng với các loại cổ phần khác nhau là các điều kiện chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp khác nhau.

Với kinh nghiệm trong việc tư vấn hoạt động của các công ty cổ phần cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến cổ phần trong thời gian qua, Luật Hồng Phúc đúc rút ra một số vấn đề chính như sau:

Thứ nhất, phân loại cổ phần của cổ đông

Vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau là cổ phần. Tuy nhiên, các loại cổ phần khác nhau có vai trò, ý nghĩa khác nhau trong quá trình hoạt đông của doanh nghiệp cũng như quyền và lợi ích của cổ đông. Các loại cổ phần phổ biến gồm:

  1. Cổ phần phổ thông là cổ phần bắt buộc phải có của công ty cổ phần, không chuyển đổi thành các cổ phần ưu đãi khác[1];
  2. Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm bao gồm cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty và cổ tức thưởng với phương thức xác định được ghi trong cổ phiếu[2];
  3. Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại và Điều lệ công ty[3];
  4. Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần phổ thông có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phần phổ thông khác; số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định[4]; do cổ đông sáng lập nắm giữ là 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trừ trường hợp là cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ[5]; sau thời hạn ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển đổi thành cổ phần phổ thông[6].
  5. Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.

dieu-kien-mua-co-phan-cong-ty-luathongphuc-vn

Thứ hai, điều kiện chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp

Cổ phần phổ thông

Được tự do chuyển nhượng trừ trường hợp cổ phần phổ thông thuộc sở hữu của cổ đông sáng lập[7]. Cổ phần phổ thông thuộc sở hữu của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông (cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó) trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc do điều lệ công ty quy định[8]. Trừ trường hợp cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần đã được chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập[9].

Cổ phần ưu đãi cổ tức

Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định[10] đồng thời cổ phần được tự do chuyển nhượng[11] do đó, cổ phần ưu đãi cổ tức được tự do chuyển nhượng cho người được phép mua cổ phần ưu đãi cổ tức theo nội dung điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

Cổ phần ưu đãi hoàn lại

Người được quyền mua cổ phần ưu đãi hoàn lại do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định[12] đồng thời cổ phần được tự do chuyển nhượng[13] do đó, cổ phần ưu đãi hoàn lại được tự do chuyển nhượng cho người được phép mua cổ phần ưu đãi hoàn lại theo nội dung điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

Cổ phần ưu đãi biểu quyết

Người được quyền mua cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định[14] và không được quyền chuyển nhượng cho người khác, trừ trường hợp theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế[15].

Cổ phần ưu đãi khác

Theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.

 

[1] Điểu 115 Luật Doanh nghiệp 2020

[2] Khoản 1, Điểu 117 Luật Doanh nghiệp 2020

[3] Khoản 1, Điểu 118 Luật Doanh nghiệp 2020

[4] Khoản 1, Điểu 116 Luật Doanh nghiệp 2020

[5] Khoản 3 Nghị định 47/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp

[6] Khoản 1, Điểu 116 Luật Doanh nghiệp 2020

[7] Điểu 115 Luật Doanh nghiệp 2020

[8] Khoản 3, Điểu 120 Luật Doanh nghiệp 2020

[9] Khoản 4, Điểu 120 Luật Doanh nghiệp 2020

[10] Khoản 3, Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020

[11] Khoản 1, Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020

[12] Khoản 3, Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020

[13] Khoản 1, Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020

[14] Khoản 3, Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020

[15] Khoản 3, Điểu 116 Luật Doanh nghiệp 2020

Thông tin liên quan