• Luật Hồng Phúc

Số thành viên tối thiểu của Hợp Tác Xã

  1. 15/03/2023
  2. 1,244

Hợp tác xã là một trong những tổ chức kinh tế đặc biệt, đây không phải là một loại hình doanh nghiệp theo pháp luật doanh nghiệp. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về số thành viên tối thiểu của hợp tác xã ? Bài viết sau đây, Luật Hồng Phúc sẽ làm rõ về số thành viên tối thiểu của hợp tác xã cho quý khách hàng.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Hợp tác xã năm 2012;
  • Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;
  • Nghị định số 107/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.

Số thành viên tối thiểu của Hợp Tác Xã

Căn cứ theo Điều 3 Luật Hợp tác xã năm 2012 thì có thể hiểu, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, có đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ cũng như tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Theo quy định trên, có thể thấy rằng để thành lập hợp tác xã thì tổ chức kinh tế này phải đảm bảo số thành viên tối thiểu khi thành lập là 7 thành viên. Ngoài ra, dựa trên nguyên tắc tổ chức và hoạt động tại khoản 2 Điều 7 Luật Hợp tác xã thì  hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được kết nạp rộng rãi thành viên, hợp tác xã thành viên.

luat-hong-phuc-vn-so-thanh-vien-toi-thieu-cua-hop-tac-xa

Điều kiện để trở thành thành viên của hợp tác xã

Luật Hợp tác xã đã quy định cụ thể về số thành viên tối thiểu của hợp tác xã, đồng thời cũng chỉ rõ để các cá nhân, hộ gia đình hay pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã thì bắt buộc phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú mà hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.

Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;

  • Có nhu cầu hợp tác với những thành viên khác và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;
  • Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;
  • Góp vốn theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã;
  • Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.

Đối với trường hợp hợp tác xã trở thành thành viên của liên hiệp hợp tác xã thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Có nhu cầu hợp tác với các hợp tác xã thành viên và có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của liên hiệp hợp tác xã;
  • Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của liên hiệp hợp tác xã;
  • Góp vốn theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ của liên hiệp hợp tác xã;
  • Điều kiện khác theo quy định của điều lệ liên hiệp hợp tác xã.

Lưu ý: Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể là thành viên của một hay nhiều hợp tác xã. Theo đó, hợp tác xã có thể là thành viên của nhiều liên hiệp hợp tác xã trừ trường hợp điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy định khác.

luat-hong-phuc-vn-so-thanh-vien-toi-thieu-cua-hop-tac-xa-la-bao-nhieu

Hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã

Ngoài việc, các thành viên đã đáp ứng đủ điều kiện về số lượng thành viên và các điều kiện khác thì để hợp tác xã được đi vào hoạt động hợp pháp thì trước khi hoạt động, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi dự định đặt trụ sở chính. Thành phần hồ sơ đăng ký hợp tác xã phải  bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã;
  • Điều lệ;
  • Phương án sản xuất, kinh doanh;
  • Danh sách thành viên, hợp tác xã thành viên; danh sách hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hay kiểm soát viên;
  • Nghị quyết hội nghị thành lập.

Trình tự đăng ký thành lập hợp tác xã

Theo Điều 23 Luật Hợp tác xã năm 2012 thì hợp tác xã khi đăng ký thành lập cần thực hiện các bước sau:

  1. Hợp tác xã cần chuẩn bị thành phần hồ sơ đầy đủ và đúng quy định;
  2. Hợp tác xã phải nộp hồ sơ tại Phòng tài chính – kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính;
  3. Khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng tài chính – kế hoạch sẽ  trao Giấy biên nhận cho Hợp tác xã và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, sau đó giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập.
  4. Nhận kết quả. Nếu hồ sơ hợp lệ và xét thấy Hợp tác đã có đủ điều kiện thì Phòng tài chính – kế hoạch cấp Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã.

Trong trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký thì cơ quan đăng ký hợp tác xã sẽ thông báo bằng văn bản hoặc thư điện tử nêu rõ lý do cho hợp tác xã biết trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

Trên đây là những thông tin về số thành viên tối thiểu của hợp tác xã mà hợp tác xã cần nắm rõ khi muốn đăng ký thành lập hợp tác xã. Nếu còn những thắc mắc về bất cứ các vấn đề pháp lý nào thì đừng quên liên hệ cho Luật Hồng Phúc để được giải đáp ngay nhé.

Về tác giả

  1. Vũ Nguyễn

    LUẬT HỒNG PHÚC được thành lập với mục đích cung cấp các giải pháp về thành lập doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài và các dịch vụ khác cho doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp – hiệu quả – tối ưu hóa chi phí. Do đó hiện nay chúng tôi vinh dự trở thành nơi tin cậy và là chỗ dựa vững chắc của hơn 800 doanh nghiệp trên khắp cả nước. Chúng tôi Cam kết mang đến bạn sự hài lòng cả về chất lượng và mức giá.

Thông tin liên quan