• Luật Hồng Phúc

Quy định về mức lương cơ bản và mức lương tối thiểu vùng mới nhất

luat-hong-phuc-vn-Quy định về mức lương cơ bản và mức lương tối thiểu vùng mới nhất

Quy định về mức lương cơ bản và mức lương tối thiểu vùng mới nhất?

Lương là một khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động khi người lao động hoàn thành một khối lượng hoặc nội dung công việc theo thỏa thuận. Để bảo vệ cho người lao động thì nhà nước đã quy định về mức lương như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Luật Hồng Phúc xin gửi tới Qúy Khách hàng thông tin về quy định về mức lương cơ bản và mức lương tối thiểu vùng mới nhất.

  1. Mức lương cơ bản và mức lương tối thiểu vùng là gì?

Mức lương cơ bản là mức lương thấp nhất, mức lương tối thiểu mà người lao động có thể được nhận khi làm việc trong một cơ quan, tổ chức bất kỳ. Mức lương này không bao gồm các khoản phụ cấp, thưởng, phúc lợi hay các khoản thu nhập bổ sung khác.

Mức lương tối thiểu vùng là mức lương tối thiểu mà người lao động được nhận khi khi làm việc tại bất kỳ khu vực nào. Mức lương này cũng không bao gồm các khoản phụ cấp, thưởng, phúc lợi hay các khoản thu nhập bổ sung khác.

Tùy vào từng cơ quan, đơn vị, vùng miền lãnh thổ, chức vụ mà các mức lương cơ bản, mức lương tối thiểu vùng sẽ khác nhau.

  1. Quy định về mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ bản hiện nay?

2.1 Quy định về mức lương tối thiểu vùng

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu vùng được quy định như sau:

  • Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
  • Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
  • Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
  • Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP.

*) Về nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng:

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

– Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

– Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định của pháp luật.

– Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

2.2 Mức lương cơ bản

Đối với các doanh nghiệp không có vốn đầu tư, vốn góp nhà nước thì thường áp dụng mức lương cơ bản bằng mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên mỗi công ty sẽ quy định mức lương cơ bản khác nhau và mức lương cơ bản tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Hiện nay Việt Nam chỉ quy định mức lương cơ bản đối với các cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, căn cứ vào Nghị định số 38/2019/NĐ-CP thì:

Lương cơ bản = Mức lương cơ sở x Hệ số lương

Theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 thì mức lương cơ sở vẫn được giữ nguyên theo mức lương cơ sở của năm 2019 là 1.490.000 đồng/ tháng. Tuy nhiên mức lương cơ bản của các cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn phụ thuộc vào hệ số lương. Hệ số lương này sẽ được quy định dựa trên cấp bậc, số năm kinh nghiệm, chức vụ.

Hiện nay, mức lương cơ bản không phải là mức lương đóng bảo hiểm xã hội vì theo quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH thì các khoản thu nhập của người lao động để tính bảo hiểm gồm có:

– Tiền lương;

– Phụ cấp chức vụ, chức danh;

– Phụ cấp trách nhiệm;

– Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

– Phụ cấp thâm niên;

– Phụ cấp khu vực;

– Phụ cấp lưu động;

– Phụ cấp thu hút;

– Phụ cấp có tính chất tương tự;

– Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi nhằm giải đáp thắc mắc về quy định về mức lương cơ bản và mức lương tối thiểu vùng mới nhất. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số Hotline: 090.234.6164 –0964.049.410 hoặc liên hệ qua emai: Info@luathongphuc.vn hoặc anhpham@luathongphuc.vn.

 

Thông tin liên quan