• Luật Hồng Phúc

Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Tài sản trí tuệ là vừa là những tài sản vô hình và cũng có thể là những tài sản hữu hình. Việc sáng tạo ra một tài sản trí tuệ cần đầu tư thời gian và công sức. Do đó việc bảo hộ các tài sản trí tuệ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là điều vô cũng cần thiết. Luật Hồng Phúc xin gửi tới Quý Khách hàng thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả trong bài viết dưới đây.

  1. Quyền tác giả là gì?

Quyền tác giả được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Quyền tác giả bao gồm các nhóm quyền nhân thân và quyền tài sản. Trong đó quyền nhân thân được quy định tại Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ gồm có các quyền:

  • Đặt tên cho tác phẩm;
  • Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
  • Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
  • Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản đối với tác phẩm được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ gồm có các quyền:

  • Làm tác phẩm phái sinh;
  • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
  • Sao chép tác phẩm;
  • Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
  • Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
  • Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Đối với những quyền thược quyền nhân thân là những quyền không thể chuyển giao cho người khác còn đối với quyền tài sản thì chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của pháp luật.

  1. Tại sao phải đăng ký quyền tác giả?
  • Đăng ký quyền tác giả sẽ giúp cho tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
  • Tác phẩm chính là tài sản trí tuệ của người sáng tạo ra nên đăng ký bảo hộ quyền tác giả là một biện pháp cần thiết để tác phẩm này được pháp luật bảo vệ, tránh việc sao chép, đánh cắp ý tưởng;
  • Việc bảo hộ quyền tác giả góp phần tạo động lực để mỗi cá nhân, tổ chức sáng tạo không ngừng trong các mọi lĩnh vực; bởi vì người sáng tạo có thể được hưởng những lợi ích vật chất từ việc khai thác tác phẩm bù đắp những chi phí đã phải bỏ ra cho việc sáng tạo tác phẩm đó.
  1. Hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tắc giả gồm có các tài liệu sau:

  • Tờ khai đăng ký quyền tác giả.
  • 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan. Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.
  • Giấy uỷ quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được uỷ quyền;
  • Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Lưu ý:

  • Đối với tờ khai quyền tác giả thì cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả; Người biểu diễn, Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và Tổ chức phát sóng đăng ký quyền liên quan sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền liên quan.
  • Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
  • Các tài liệu có trong hồ sơ phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/chứng thực. Các tài liệu gửi kèm hồ sơ nếu là bản sao phải có công chứng, chứng thực.
  1. Trình tự thủ tục nộp hồ sơ

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 hồ sơ đăng ký quyền tác giả thông qua:

  • Nộp trực tiếp tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả
  • Gửi qua đường bưu điện.

Lưu ý: Cá nhân, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 2 Điều 13 và Điều 17 của Luật Sở hữu trí tuệ trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức nộp đơn đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi nhằm giải đáp thắc mắc thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Luật Hồng Phúc là đơn vị chuyên thực hiện, hỗ trợ quý khách hàng thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả với chi phí hợp lý trong thời gian nhanh nhất. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua

Hotline: 090.234.6164 –0964.049.410 hoặc liên hệ qua emai: Info@luathongphuc.vn hoặc anhpham@luathongphuc.vn.

 

 

Thông tin liên quan