• Luật Hồng Phúc

Nghị định số 96/2016/NĐ-CP CHƯƠNG VI

Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH VÀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA

Điều 46. Trách nhiệm của Bộ Công an

Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong phạm vi toàn quốc đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Nghị định này để phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

  1. Hướng dẫn và tập huấn công tác đảm bảo an ninh, trật tự cho các cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định này, trừ cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
  2. Ban hành hệ thống biểu mẫu phục vụ công tác quản lý về an ninh, trật tự đối với cơ sở kinh doanh các ngành, nghề quy định tại Điều 3 Nghị định này.
  3. Hướng dẫn thống nhất mẫu quần, áo, giầy, mũ, cầu vai, phù hiệu ve áo, phù hiệu gắn trên mũ, biển hiệu cho nhân viên dịch vụ bảo vệ.
  4. Hướng dẫn thống nhất việc thẩm định hồ sơ trước khi cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; thực hiện chế độ hậu kiểm đối với người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự và các điều kiện thực tế tại cơ sở kinh doanh; việc sát hạch, cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ theo nguyên tắc chỉ cấp một loại Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ cho tất cả các nội dung quy định trong giáo trình đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ theo quy định tại Nghị định này và thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để thực hiện tội phạm và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.
  5. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh quy định tại Nghị định này và hướng dẫn cơ sở kinh doanh xây dựng phương án bảo đảm an ninh, trật tự.
  6. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền.
  7. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin điện tử phục vụ công tác quản lý và thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự cho tổ chức, cá nhân hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh quy định tại Nghị định này.
  8. Sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh quy định tại Nghị định này.
  9. Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Điều 47. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

  1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định mức thu, việc quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện về an ninh, trật tự để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và phí sát hạch cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ cho nhân viên dịch vụ bảo vệ.
  2. Phối hợp với Bộ Công an dự toán, quyết toán kinh phí để duy trì hoạt động hệ thống Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 48. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

  1. Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc ngành, lĩnh vực được phân công tổ chức thực hiện Nghị định này.
  2. Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành có liên quan đến ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự do bộ, ngành mình quản lý.
  3. Phối hợp với Bộ Công an thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các điều kiện về an ninh, trật tự của các cơ sở kinh doanh có liên quan đến bộ, ngành minh theo thẩm quyền.
  4. Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Điều 49. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

  1. Quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo thẩm quyền.
  2. Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động của các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự tại địa phương.
  3. Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Điều 50. Kiểm tra, thanh tra

  1. Cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự đối với cơ sở kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo phương thức định kỳ không quá một lần trong một năm hoặc đột xuất.

Việc kiểm tra, thanh tra đột xuất chỉ được thực hiện khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân về vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh; phục vụ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

  1. Nội dung kiểm tra, thanh tra:
  2. a) Kiểm tra, thanh tra các giấy tờ trong hồ sơ pháp lý; nội dung kinh doanh ghi trong Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho cơ sở kinh doanh với thực tế của cơ sở đang hoạt động;
  3. b) Kiểm tra việc chấp hành các quy định tại Nghị định này và các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
  4. c) Kiểm tra người và phương tiện, sản phẩm kinh doanh, dịch vụ liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh theo quy định của pháp luật;

Kết thúc kiểm tra, thanh tra phải lập biên bản (theo mẫu quy định thống nhất của Bộ Công an) ghi rõ kết quả và tồn tại hoặc vi phạm (nếu có).

  1. Thẩm quyền kiểm tra, thanh tra:
  2. a) Cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất;
  3. b) Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an các cấp chỉ được tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự cần phải xử lý ngay; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh trên địa bàn do mình quản lý. Sau khi kiểm tra phải có văn bản thông báo kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) cho cơ quan Công an đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ sở kinh doanh đó;
  4. c) Công an các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự cần tiến hành kiểm tra đột xuất thì phải được thủ trưởng cơ quan Công an từ cấp huyện trở lên phê duyệt bằng văn bản hoặc có văn bản chỉ đạo của Công an cấp trên.
  5. Các hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Thông tin liên quan